Nhãn hiệu “quên” đăng ký và đứa trẻ không được khai sinh

Ngôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lực
 

Theo số liệu thống kê từ Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam, số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp vào Cục năm 2014 lên đến khoảng hơn 33.000 đơn. Thiết nghĩ, dù chưa thật mĩ mãn nhưng đây cũng đã là một con số biết nói phản ánh sự chuyển biến lớn về nhận thức của người Việt Nam đối với việc bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ của mình, đồng thời cho thấy công tác tuyên truyền, giáo dục và khuyến khích của Nhà nước về vấn đến này cũng ít nhiều đạt được những thành tực nhất định.

 

Vậy, tại vì sao mà Nhà nước ta luôn khuyến khích các cá nhân, tổ chức tự bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ nói chung cũng như tiến hành đăng ký bảo hộ nhãn hiệu nói riêng? Phải chăng dăng ký nhãn hiệu nó cũng có những nét tương đồng và quan trọng như việc khai sinh cho một đứa trẻ khi chào đời?

 

Bạn nghĩ sao nếu một đứa trẻ sinh ra trên đời mà không được khai sinh? Rất thú vị ở chỗ khai sinh cũng là quyền đầu tiên được ghi nhận trong hệ thống các quyền cơ bản của trẻ em. Tại sao như vậy? Khai sinh cho đứa trẻ – là sự chào đón, ghi nhận có tính pháp lý đầu tiên cho sự ra đời và tồn tại của đứa trẻ trên thế gian này. Quan trọng hơn, thực tế đã chứng minh rằng, nó chính là tiền để quan trọng thậm chí là điều kiện tiên quyết để đứa trẻ được hưởng nhiều quyền khác mà pháp luật Việt Nam nói riêng và lịch sử nhân loại về quyền con người nói chung dành cho nó.

 

trademark-babies

 

Tôi không nói rằng, một đứa trẻ không khai sinh thì không được hưởng quyền con người mà tôi nói đó là tiền đề quan trọng, thậm chí tiên quyết, bởi vì sao? Một đứa trẻ dù không được khai sinh cũng không ai dám tước đi quyền sống của nó, đứa trẻ ấy vẫn có thể sống trong tình yêu thương của cha, bằng nguồn sữa ngọt lành của mẹ mà lớn lên. Và nó vẫn được hưởng đầy đủ các quyền trẻ em như mọi đứa trẻ khác.

 

Nhưng đó là về mặt lý thuyết, thực tế bạn có thấy có đứa trẻ nào có thể đến trường để hưởng cái quyền học tập (không đề cập đến các trường không thuộc hệ thống giáo dục chính quy) mà không có giấy khai sinh? Đứa trẻ nào có thể được tiêm phòng vắc xin, nằm viện miễn phí để hưởng cái quyền chăm sóc nếu không có giấy khai sinh…

 

Quay trở lại với câu chuyện về nhãn hiệu mà tôi đang đề cập, Nhà nước rõ ràng không buộc các cá nhân, tổ chức phải tiến hành đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Cục sở hữu trí tuệ hay nói cách khác đây không phải một thủ tục bắt buộc. Song việc bạn không đăng ký nhãn hiệu cũng giống như việc một đứa trẻ không được khai sinh vậy, rằng bạn đang tự làm khó chính mình, thậm chí tự mình tước đi cái quyền được pháp luật bảo vệ. Bạn sẽ làm gì khi có những kẻ ngang nhiên “dựa hơi” thương hiệu mà bạn mất hàng chục năm gây dựng để làm lợi bất chính và đáng buồn là thương hiệu là của bạn, nó được người tiêu dùng ghi nhận nhưng lại chưa hề được… nhà nước ghi nhận.

 

Đành rằng, vẫn còn luật chống cạnh tranh không lành mạnh nhưng bằng cách nào để thực hiện quyền này khi mà cách để chứng minh hành vi đó nhanh nhất và hiệu quả nhất là bạn đã tiến hành đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu tại Cục sở hữu trí tuệ – thì bạn cũng chưa làm?

 

Không dừng lại ở đó, nếu một đứa trẻ không được khai sinh nó suốt đời khó lòng thoát khỏi lũy tre làng bởi những rào cản pháp lý mà nó gặp phải khi xuất – thân – không – rõ – ràng, thì những nhãn hiệu hàng hóa không được đăng ký bảo hộ cũng vậy, quanh năm suốt tháng cũng chỉ quanh quẩn trong các cửa hàng nhỏ mà khó lòng đặt chân đến những cửa hiệu lớn, những showroom trưng bày sản phẩm sang trọng, vào siêu thị hay xa hơn là xuất khẩu hàng hóa mang nhãn hiệu đó đến những phương trời mới, những miền đất hứa đầy tiềm năng.

 

Ngược lại, nhãn hiệu hàng hóa khi được tiến hành đăng ký bảo hộ, cũng giống như đứa trẻ được khai sinh, khi ấy nó không những được bảo hộ độc quyền và không đơn thuần chỉ là cái tên gọi mà nó còn là cách hiệu quả để chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa mang nhãn hiệu đăng ký, cung cấp cho người tiêu dùng thông tin rõ ràng về chủ sở hữu cũng như địa chỉ để có được sự tin tưởng từ phía những vị thượng đế này.

 

Trên thực tế, có rất nhiều cơ sở in ấn, các công ty thương mại yêu cầu đối tác phải xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu trước khi ký kết hợp đồng hợp tác. Ngoài ra, giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cũng là một loại tài liệu bắt buộc trong một số thủ tục khi muốn lưu thông hàng hóa trên thị trường như thủ tục dán nhãn năng lượng, công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, xuất nhập khẩu hàng hóa qua hải quan…

 

Tóm lại, dù là đứa trẻ không khai sinh hay nhãn hiệu quên đăng ký thì cũng là một điều ngốc nghếch mà bạn đang thực hiện để tự cản trở con đường phát triển của mình. Thiết nghĩ, trong thời buổi hiện nay, khi thương trường vốn đã ác liệt như chiến trường, thách thức dường như đã đủ, vậy thì chúng ta cũng đừng nên tự làm khó chính mình thêm nữa.

thuonghieu.org

 

0
Shares
0
Shares