Bài học từ những công ty sáng tạo hàng đầu

Ngôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lực
 

Xây dựng một doanh nghiệp đột phá, một thương hiệu sáng tạo, thành công và tạo được dấu ấn sâu rộng, không chỉ trong nước mà còn trên trường quốc tế, luôn là mong ước và khát khao của các thế hệ doanh nhân khi bắt đầu khởi nghiệp. Tuy nhiên, hành trình tạo dựng được một công ty như vậy là một thách thức không dễ thực hiện.

 

Mới đây, song song với việc công bố danh sách 50 thương hiệu sáng tạo nhất thế giới (50 Most Innovative Companies 2017), tạp chí Fast Company cũng đưa ra những bài học từ chính những thương hiệu này. Cũng nói thêm là trong danh sách này, Top 10 gồm những cái tên quen thuộc: Amazon, Google, Uber, Apple, Snapchat, Facebook, Netflix, Twilio, Chobani và Spotify.

 

Khôn khéo sử dụng nguồn lực từ cộng đồng

 

Những chuyên gia phân tích của Fast Company tin rằng, Amazon sẽ còn tiếp tục nằm trong danh sách những công ty sáng tạo nhất, ít nhất là hai mươi năm nữa. Sở dĩ họ có thể tin chắc như vậy, là bởi Amazon đã rất khôn khéo trong việc sử dụng nguồn lực từ cộng đồng để không ngừng cải tiến và làm mới mình.

 

Bắt đầu là một website bán hàng thương mại điện tử, Amazon dần dần tự biến mình không chỉ trở thành một siêu thị hàng hóa lớn bậc nhất thế giới, mà còn tạo ra một cộng đồng những người dùng khổng lồ.

 

12043Amazon 1490868041

 

Kho hàng khổng lồ của Amazon. Ảnh minh họa: Fast Company.

 

Cụ thể, trong cộng đồng khổng lồ của Amazon, đông nhất là hai nhóm người. Nhóm sử dụng Amazon để truy cập, tìm kiếm thông tin về sản phẩm, hàng hóa, mua hàng và đưa ra những nhận xét, đánh giá về chất lượng sản phẩm. Nhóm thứ hai là sử dụng Amazon để kiếm tiền, bán hàng trên Amazon nhận hoa hồng.

 

Rõ ràng, Amazon và hai nhóm người này tạo ra một quan hệ cộng sinh vô cùng chặt chẽ. Amazon sử dụng nguồn lực của những người này để làm đa dạng và tươi mới hơn trải nghiệm website, trải nghiệm sản phẩm của mình; trong khi đó, những người này dùng Amazon để kiếm tiền hoặc kiếm thông tin, kiếm sản phẩm giá rẻ.

 

Chính Facebook cũng rất thành công với việc sử dụng nguồn lực từ cộng đồng. Bởi thực sự, Facebook không tạo ra quá nhiều nội dung, hầu như toàn bộ nội dung trên Facebook là do người dùng tự tạo ra.

 

Đối tượng khách hàng trẻ

 

Khi Fast Company lần đầu tiên công bố danh sách những công ty sáng tạo nhất thế giới (năm 2008), hoàn toàn không có cái tên Snapchat. Nhưng chỉ cần sáu năm hoạt động, Snapchat đã vượt qua hàng loạt cái tên đình đám khác để lọt vào Top 10 và hứa hẹn sẽ cực kỳ phát triển trong tương lai sau vụ IPO (phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu) trị giá 3,4 tỉ USD vừa qua.

 

“Sự phát triển nhanh chóng của Snapchat cho chúng ta thấy tiềm lực của nhóm khách hàng trẻ là lớn như thế nào. Thậm chí trước phiên IPO lịch sử, nhiều người trung niên và lớn tuổi ở Mỹ cùng các quốc gia khác vẫn chẳng biết Snapchat là gì và ứng dụng nhắn tin này có gì hay ho hơn so với Facebook Messenger. Nhưng sự thành công của Snapchat cho chúng ta thấy sức mạnh của những người trẻ là khủng khiếp ra sao. Bởi đơn giản, những người trẻ có thể không quan tâm đến việc bố mẹ hay gia đình chúng sử dụng điện thoại gì, ứng dụng gì, nhưng phụ huynh và gia đình chúng thì luôn muốn biết con mình đang làm gì và đang tốn thời gian cho những việc gì sau lưng họ”. Đó là những gì Robert Safian, cây bút của Fast Company, đánh giá.

 

12043Snap 1490868269

 

IPO của Snapchat trị giá 3,4 tỉ USD. Ảnh minh họa: TeleTrader.

 

Ngoài ra, Fast Company cũng chỉ ra rằng, giống như quy luật điểm bùng phát của Malcolm Gladwell, mỗi trào lưu hay sản phẩm thành công thường bắt nguồn từ một nhóm người nhất định. Chính nhóm người này sẽ là những khách hàng trung thành đầu tiên, giúp lan truyền hình ảnh và thương hiệu đến với cộng đồng. Và nhóm khách hàng trẻ tuổi luôn là nhóm người tạo ra sự bùng phát nhanh nhất trong xã hội chúng ta ngày nay.

 

Công nghệ sẽ tạo ra khác biệt

 

Ngày nay, sức mạnh về công nghệ là một sự khác biệt lớn cho thương hiệu. Chiếm lĩnh được sức mạnh công nghệ, thương hiệu không những có thể đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng, mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh so với đối thủ trong mọi lĩnh vực, mọi phân khúc thị trường khác nhau.

 

Đơn cử, Apple đang lên kế hoạch trị giá 3 tỉ USD để đưa iPad và iPhone trở thành những thiết bị phổ biến trong bệnh viện, nhằm giúp đội ngũ nhân viên y tế chăm sóc và theo dõi tình hình sức khỏe của bệnh nhân một cách tốt hơn. Các chuyên gia dự báo, chính tham vọng này của Apple sẽ làm thay đổi nền y học của thế giới trong tương lai, cũng như tạo ra hàng tỉ USD nữa cho Apple để duy trì sự vượt trội so với các đối thủ về giá trị sáng tạo của thương hiệu.

 

Sức mạnh của sự tập trung

 

Họ có một sự định vị rất rõ trong tâm trí khách hàng và họ luôn có được sự tập trung tối đa cho việc trở thành kẻ mạnh nhất trong lĩnh vực mà mình hoạt động.

 

Trong danh sách những công ty sáng tạo nhất thế giới năm 2017 của Fast Company, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy một điều, đó là những công ty nằm trong nhóm đầu đều là những con “ngáo ộp” trong lĩnh vực của họ. Hay nói đúng hơn, họ có một sự định vị rất rõ trong tâm trí khách hàng và họ luôn có được sự tập trung tối đa cho việc trở thành kẻ mạnh nhất trong lĩnh vực mà mình hoạt động.

 

Ví dụ, Amazon, là thương mại điện tử. Google, là công cụ tìm kiếm. Uber, là ứng dụng cung cấp phương tiện di chuyển. Facebook là mạng xã hội. Snapchat là ứng dụng nhắn tin…

 

“Thay vì đa dạng hóa loại hình kinh doanh ngay khi đạt được thành công bước đầu, những công ty sáng tạo hàng đầu luôn chọn cách mở rộng quy mô ra thị trường quốc tế. Qua đó, họ tập trung phát triển và hoàn thiện hơn nữa dịch vụ, sản phẩm của mình, ngày qua ngày, để trở thành kẻ độc tôn trên thị trường. Bởi những công ty này luôn có một niềm tin sắt đá, rằng sự sáng tạo không bao giờ có giới hạn”.

 

Doanh Nhân Cuối Tuần

 

0
Shares
0
Shares