Mặc dù đến nay chưa có vụ việc nào được đưa ra tòa vì người tiêu dùng chưa có thói quen cũng như thủ tục kiện tụng quá phức tạp, nhưng khó mà đảm bảo rằng sẽ không có vụ kiện nào xảy ra trong tương lai.
Hại nhiều, lợi ít
Luật sư Trịnh Thanh, Trưởng Văn phòng Luật sư Người Nghèo, cho rằng việc quá lạm dụng tính cường điệu trong quảng cáo nhằm bán được nhiều hàng hóa chính là con dao hai lưỡi đối với doanh nghiệp. Ngoài việc bị chế tài, người quảng cáo còn có thể bị khách hàng của mình kiện ra tòa để đòi bồi thường nếu việc quảng cáo gian dối gây thiệt hại cho họ. Theo một số luật sư, đây là một dạng bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng. Thực tế hàng ngày cho thấy có không ít mẩu quảng cáo trên báo chí, đài truyền hình, radio… vi phạm điều cấm của luật và có thể bị xử phạt hoặc bị đưa ra tòa. Một dịch vụ trả lời qua điện thoại từng có câu quảng cáo nghe rất kêu “nhanh chóng, mọi lúc, mọi nơi”.
Thế nhưng, khi sử dụng dịch vụ này, khách hàng vẫn thường nhận được câu trả lời “hướng liên lạc này đang bị gián đoạn”. Quảng cáo như vậy rõ ràng là hơi phóng đại so với chất lượng thực tế của dịch vụ. Hoặc có những mẩu quảng cáo khoa trương tưởng chừng vô thưởng vô phạt nhưng nếu chiếu theo luật thì chúng vẫn phạm vào điều cấm và có thể bị phạt hành chính như thường. Chẳng hạn, những quảng cáo đại loại “hàng đầu thế giới”, “số 1 thế giới”…
Mặc dù đến nay chưa có vụ việc nào được đưa ra tòa vì người tiêu dùng chưa có thói quen cũng như thủ tục kiện tụng quá phức tạp, nhưng khó mà đảm bảo rằng sẽ không có vụ kiện nào xảy ra trong tương lai.
Luật chưa bao quát hết
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, pháp luật về vấn đề quảng cáo trung thực vẫn còn lắm điều bất cập. Có quá nhiều văn bản quy định, mỗi văn bản lại đưa ra một thuật ngữ pháp lý thiếu đồng nhất với nhau khiến cho việc áp dụng rất khó khăn. “Bản thân hai khái niệm “quảng cáo gian dối” và “quảng cáo sai sự thật” đã vênh nhau rồi. Gian dối là có chủ đích, nhưng sai sự thật không phải bao giờ cũng có chủ đích. Có khi chỉ là vô tình, thì sao?”- Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Vân Nam, Giám đốc điều hành Công ty Luật Nam Hùng, nói.
Mặt khác, theo ông, “thiếu gì trường hợp quảng cáo đúng sự thật mà người tiêu dùng vẫn có thể bị đánh lừa. Đi ra đường, chúng ta vẫn thường thấy trên các panô, có nhiều công ty quảng cáo “đạt chuẩn chất lượng ISO-9000, ISO-9002”. Quảng cáo như thế không sai (vì sự thật công ty có chứng nhận ISO) nhưng người tiêu dùng cứ ngỡ sản phẩm của công ty này có chất lượng tốt nên quyết định mua mà đâu hay rằng mình đang bị ngộ nhận”, bởi ISO đâu phải là chứng nhận chất lượng sản phẩm, dịch vụ!
Ông Nam cho biết ở các nước châu Âu, lúc đầu cũng có quy định cấm việc quảng cáo không đúng sự thật. Nhưng, sau đó quy định này đã được sửa lại là: cấm quảng cáo với những thông tin, chỉ dẫn gây ngộ nhận. Đây là một trong những nội dung cơ bản của Luật Cạnh tranh. Đến năm 1997, Liên hiệp châu Âu cũng ban hành quy định tương tự (Điều 28 EGV). Vì luật cạnh tranh được xây dựng theo hướng bảo vệ lợi ích toàn xã hội nên bất kỳ công dân nào hay hiệp hội, tổ chức nào cũng có thể khởi kiện để buộc người quảng cáo gây ngộ nhận phải chấm dứt hành vi của mình, kể cả khi hành vi đó chưa gây thiệt hại (chỉ cần có nguy cơ gây ngộ nhận). Người quảng cáo gây ngộ nhận cũng có thể bị truy cứu hình sự và bị phạt tù tới hai năm nếu việc quảng cáo đó có chủ đích.
Theo TBKTSG