Nhưng sự thờ ơ của các DN cộng hưởng với sự thức thời của của những kẻ đầu cơ lại khiến câu chuyện về những tên miền “trôi nổi” tiếp tục được nhắc tới.
Sự thờ ơ và chậm chân
Bạn đã biết bảo vệ thương hiệu trên mạng Internet ?
Cách đây chưa đầy 5 năm, Cà phê Trung Nguyên được biết đến như một công ty đi đầu về chiến lược tạo dựng thương hiệu và những phương thức bảo vệ, khuếch trương thương hiệu của mình. Trung Nguyên chú trọng phát triển thương hiệu riêng cả ở thị trường trong nước và quốc tế, trên các phương tiện truyền thông đại chúng và mạng Internet.
Tuy vậy, bài học về tên miền trungnguyen.com vẫn được nhắc đến nhiều như một ví dụ điển hình về sự thờ ơ của các doanh nghiệp Việt Nam với việc đăng ký tên miền Internet. Năm 2001, khi tên miền trungnguyen.com bị một cá nhân nhanh chân đăng ký; Công ty TNHH Trung Nguyên đã không thể giải quyết được tranh chấp để lấy lại tên miền mang thương hiệu của mình, và mãi 2 năm sau, Trung Nguyên mới chính thức đăng ký cho mình tên miền cấp 3: trungnguyen.com.vn. Ngày 15/8/2006, ngay trong ngày đầu tiên Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) chính thức xét duyệt và cấp phát tựdo tên miền cấp 2 .vn, tên miền trungnguyen.vn được công bố đã có chủ thể đăng ký. Điều đáng nói là tên miền này được đăng ký bởi Công ty cổ phần Kiến Cường, một đơn vị đã nhanh chân đăng ký để sở hữu hàng loạt các tên miền mang thương hiệu nổi tiếng khác.
Người ta tự hỏi liệu sẽ cần bao nhiêu lần “ngã giá” để Trung Nguyên tìm lại được hình ảnh và thương hiệu của chính mình trên mạng Internet; và chuyện gì sẽ xảy ra nếu ngay ngày hôm sau, công ty Kiến Cường dùng tên miền trungnguyen.vn làm địa chỉ Internet dẫn đến trang web có quảng bá thông tin về một sản phẩm cà phê thứ cấp khác mà không phải là Cà phê Trung Nguyên.
Bài toán về giá trị thương hiệu
Trungnguyen.vn chỉ là một trong số rất nhiều những tên miền tiếp tục bị đầu cơ sau ngày 14/8. Lilama.vn; petrolimex.vn; vinaconex.vn; dongtam.vn là những tên miền được chú ý nhiều khi mà chúng chính là những địa chỉ định danh và thể hiện thương hiệu trên Internet của các tập đoàn và công ty lớn. Làm một phép tính nhỏ; nếu giả sử tổng giá trị tài sản của Tổng công ty xuất nhập khẩu Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) khoảng 1 triệu USD, tức là ở mức khiêm tốn hơn rất nhiều so với thực tế, thì chi phí chưa đầy 100 USD để công ty này đăng ký tên miền vinaconex.vn chỉ chiếm tỷ lệ 0.01%. Tuy vậy, qua 2 giai đoạn xét duyệt ưu tiên, vinaconex.vn vẫn bỏ ngỏ, và hệ quả tất yếu là chỉ trong vòng chưa đầy 24 giờ sau thời điểm VNNIC cấp phát tên miền tự do theo nguyên tắc “đăng ký trước, cấp trước”, tên miền vinaconex.vn đã bị đăng ký bởi một công ty TNHH “nhanh chân”.
Ông Lee Johnson, chủ tịch tập đoàn CNTT Hi-Tek, Hoa Kỳ phát biểu: “Cuộc chiếm hữu đất đai lớn nhất trong lịch sử đang diễn ra hàng ngày. Nhưng đây không phải là đất đai thật mà là đất của một nền kinh tế mới - tên miền. Internet Domain Name hay địa chỉ web site đã trở thành hàng hóa có giá trị mới trên thế giới.
Việc các công ty tại Việt Nam chủ quan không đăng ký tên miền và bảo vệ thương hiệu của mình trên mạng Internet là một điều đặc biệt nguy hại, gây ảnh hưởng lớn đến danh tiếng cũng như hoạt động chung của công ty. Đó là chưa kể đến nguy cơ họ phải bỏ ra một khỏan tiền không nhỏ để tìm lại quyền sở hữu đối với những tên miền giá trị của chính Theo ông Lee, mức chi phí tối thiểu để một công ty có thể nhờ đến sự can thiệp của tổ chức giải quyết tranh chấp quốc tế WIPO (World Intellectual Property Organization) là 2.500 USD. Với mức chi phí cơ bản này, DN sẽ còn phải tốn mất rất nhiều thời gian, công sức cũng như những khoản chi khác để theo đuổi quá trình khiếu nại; mà khả năng để lấy lại tên miền mang thương hiệu của mình cũng không hề chắc chắn. Mặc dù vậy, ngay cả những điều này cũng là vô nghĩa khi nguyên tắc cấp phát của VNNIC ở giai đoạn tiếp theo đã rất rõ ràng: “ai đăng ký trước – cấp phát trước”.
Chỉ cần chậm chân 1 giây thì các doanh nghiệp đã để tên miền mang thương hiệu mình rơi vào tay chủ thể khác, mà có thể đó lại là chính đối thủ cạnh tranh của mình. Không có cơ sở để khiếu nại, các doanh nghiệp, công ty hay tập đoàn lớn chỉ còn cách thỏa hiệp, thống nhất một mức giá nhất định với kẻ đầu cơ để mua lại tên miền.
Chuyện còn phải nói mãi
Khi các doanh nghiệp phải đi mua lại tên miền, vô hình chung họ trở thành những khách hàng béo bở của những kẻ đầu cơ. Hiểu được tâm lý của người đại diện các công ty, và nắm trong tay giá trị thương hiệu của công ty đó, kẻ đầu cơ có thể phát ra những mức giá “không tưởng”.
Tuy vậy, áp lực về uy tín, về thương hiệu tác động lên các công ty là rất lớn. Tới lúc này, họ mới nhận ra sự cần thiết phải bảo vệ thương hiệu của mình quan trọng đến mức nào; chi phí hàng trăm, hàng nghìn hay thậm chí hàng vạn USD sẽ không còn là vấn đề; các tổng công ty hay tập đoàn lớn sẽ chỉ quan tâm đến việc để làm sao lấy lại tên miền định danh thương hiệu của mình, tránh việc bị các đối thủ khác sử dụng các tên miền này để truyền bá những thông tin bất lợi cho tổ chức trên mạng Internet. Vô tình họ đã đáp ứng tốt mục đích trục lợi cho những kẻ đầu cơ, và chi phí mà các công ty này phải bỏ ra là cái giá quá đắt phải trả cho sự thờ ơ và chậm chân mà đáng ra họ có thể khắc phục ngay từ đầu.
Trên thế giới, nhiều tên miền có trị giá hàng triệu USD như Business.com được định giá 7,5 triệu USD, beer.com - 7 triệu USD, Korea.com - 5 triệu USD; công ty máy tính Compag phải mua lại tên miền Atlavista.com với giá 3.35 triệu USD. Chắc rằng, khó có một công ty nào ở Việt Nam có thể chi ra những khoản tiền khổng lồ như vậy để mua lại một tên miền mang thương hiệu của mình trên Internet. Song dường như sự thiếu “mặn mà” về vấn đề bảo vệ thương hiệu, cùng với nhận thức chưa đầy đủ về xu thế hội nhập toàn cầu của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ còn tiếp tục tạo nên những câu chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi”.
Theo VnMedia.vn