Các nhà lãnh đạo tài ba tập trung xây dựng văn hóa nhiều như việc họ tập trung vào chiến lược hoạt động, kinh doanh của tổ chức, doanh nghiệp.
Văn hóa doanh nghiệp là cách giải quyết các vấn đề trong một doanh nghiệp. Chính cách thức giải quyết vấn đề sẽ mang đến thành công, hoặc ngược lại. Vì vậy, đừng mắc sai lầm khi muốn tạo dựng nề nếp văn hóa của doanh nghiệp.
Theo Shawn Murphy - Giám đốc điều hành và sáng lập Công ty Switch & Shift chuyên giúp các doanh nghiệp thiết lập mô hình kinh doanh lấy con người làm trung tâm - có 10 sai lầm thường gặp nhất trong quá trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp, là:
Chỉ tập trung vào người chống đối. Cái bẫy lớn nhất mà các nhà lãnh đạo thường mắc phải khi định hướng văn hóa của doanh nghiệp là việc chỉ tập trung vào những cá nhân chống đối. Họ thường nghĩ theo logic: ”Nếu tối có thể khiến những cá nhân này ủng hộ thì mọi người cũng sẽ ủng hộ”. Nhưng không may là điều này chỉ “gây hấn” với những thành viên muốn giúp bạn xây dựng văn hóa doanh nghiệp hiệu quả.
Đánh giá thấp mục đích. Con người luôn muốn trở thành một phần của thứ lớn hơn chính mình. Mục đích giúp chúng ta luôn cố gắng hết sức để hoàn thành tốt nhất công việc. Một văn hóa công sở đánh giá thấp mục đích, tức là đi ngược lại bản chất con người, là một văn hóa suy yếu.
Tốn thời gian cho các cuộc họp. Sự hiện diện của người lãnh đạo có ảnh hưởng lớn đến môi trường làm việc của nhân viên. Nhưng bạn không thường xuyên có mặt vì bận họp, bạn sẽ mất cơ hội tốt để định hình văn hóa công sở. Cho dù bạn làm gì, văn hóa làm việc vẫn sẽ được nâng cao, chỉ cần đảm bảo một điều chắc chắn đó là sự hiện diện của vị lãnh đạo.
Không thường xuyên trao đổi. Chúng ta cần nghe một thông điệp bảy lần trước khi nắm bắt được ý nghĩa của nó. Khi bạn giao tiếp, các kỳ vọng sẽ không thể đạt được chỉ sau một lần tiếp thu. Cần chắc chắn rằng tập thể của bạn biết những gì được mong đợi ở họ. Sự rõ ràng trong công việc chính là chìa khóa cho một văn hóa tích cực.
Tư duy trong “tháp”. Khi bạn tạo ra sự thay đổi trong bộ phận của mình, hãy dự liệu trước những tác động của sự thay đổi ấy đến các bộ phận khác trong công ty. Doanh nghiệp là một hệ thống, mỗi bộ phận là một mắt xích của toàn bộ dây chuyền. Tư duy trong “tháp” - tức chỉ dựa trên đặc trưng và sự tác động đến một bộ phận sẽ làm hạn chế những ý tưởng và làm suy yếu hoạt động của công ty.
Lan truyền cảm xúc tiêu cực. Không ai có thể luôn hài lòng với những gì diễn ra xung quanh mình (khách quan), thậm chí ngay cả với những hành vi, quyết định của chính mình (chủ quan). Nhưng bạn không được phép để cho cấp dưới chứng kiến cảm xúc tiêu cực của mình, bởi tâm trạng của người lãnh đạo có tính “lây truyền”. Cảm xúc tiêu cực, cho dù là không cố ý, sẽ tạo nên một không khí không lành mạnh dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng trong công việc.
Suy nghĩ ngắn hạn. Tập trung vào lợi nhuận là một cái bẫy trong kinh doanh. Suy nghĩ ngắn hạn sẽ bào mòn hành vi thiết lập mục tiêu để hướng tới lợi ích dài hạn. Nhà lãnh đạo sáng suốt sẽ biết cách cân bằng giữa những mục tiêu ngắn hạn (lợi nhuận) và kế hoạch dài hạn (phát triển bền vững) của doanh nghiệp.
Đề cao chủ nghĩa cá nhân. Không ai quan trọng hơn tập thể. Dù là người có quyền quyết định, nhưng khi bạn chỉ làm theo ý của mình và để những người khác làm việc tùy thích, tự bạn đã làm mất đi cơ hội tận dụng trí tuệ của đám đông. Xây dựng văn hóa đề cao làm việc nhóm, chúng ta sẽ phát huy được tối đa sức mạnh của tất cả các thành viên.
Đánh giá thấp các mối quan hệ. Nhu cầu cơ bản của loài người là kết nối với người khác. Vì vậy, sẽ là sai lầm khi không tập trung xây dựng các mối quan hệ trong nhóm và trong công ty. Nhà lãnh đạo thông minh sẽ tránh đề cao các cá nhân, thay vào đó, họ tạo ra nhiều cách để kết nối mọi người với nhau. Văn hóa kết nối sẽ tạo nên sức mạnh tập thể.
Không chú ý đến các nhu cầu mang tính xã hội. Đề cao vai trò cá nhân là một sai lầm, nhưng bỏ qua nhu cầu phát triển cá nhân của các thành viên cũng không phải điều có lợi cho công ty. Người lãnh đạo nên khuyến khích tình bạn nơi công sở. Điều đó giúp định hình nề nếp văn hóa có phong cách riêng, nơi tôn trọng và đề cao các mối quan hệ và phát triển cá nhân. Nhân viên không muốn đến văn phòng, làm việc rồi về. Họ muốn có những trải nghiệm có ý nghĩa ở nơi làm việc. Nhà lãnh đạo thông minh sẽ dựa vào điều này để tạo dựng văn hóa công sở.
Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp