Hệ thống cung cấp mực của một đơn vị in offset thường bao gồm một máng mực, lô máng mực, lô chấm mực, 3 hoặc 4 lô sàng mực. Bốn lô cao su trung gian (hay nhiều hơn), ba hoặc bốn lô chà mực làm từ cao su tổng hợp hoặc các polymer khác. Máng mực và lô chấm mực nạp mực theo một lượng được kiểm soát. Các lô sàng và các lô trung gian phân phối một lượng mực mỏng và đồng đều.
Để hoạt động đúng chức năng, các lô sàng phải được điều khiển bởi các bánh răng hay xích và có cùng tốc độ bề mặt với tốc độ bản in. Lô chấm, lô trung gian và lô chà chỉ được truyền động do ma sát. Lô máng mực được điều khiển bằng 1 kết cấu giữ cho các bánh răng không quay ngược lại (các bánh cóc hoặc các khớp ly hợp). Việc canh chỉnh dao máng mực và chuyển động quay lô máng mực quyết định lượng mực cung cấp cho các lô và cũng quyết định lượng mực cung cấp lên tờ in.
Đường kính khác nhau của các lô sàng và các lô máng mực làm cho mực được phân phối đồng đều trên các lô mực. Việc phân bố mực đều đặn lên chu vi của lô được thực hiện bởi sự truyền động của các lô sàng (các lô này thường có thể điều chỉnh được). Độ dày lớp mực dọc theo chiều của trục lô không nhất thiết phải đều nhau, vì việc cấp mực theo chiều ngang của tờ in tuỳ thuộc vào bài mẫu in và màu in. Việc điều chỉnh độ dày lớp mực dọc theo chiều ngang của tờ in có thể được thực hiện bằng các khoá mực (khoá điều chỉnh độ hở giữa lô máng mực và máng mực).
Các vấn đề thông thường của hệ thống mực được trình bày dưới đây.
CÁC SỌC THEO CHIỀU NGANG.
Các sọc lô luôn luôn song song với cạnh bắt nhíp của tờ in. Chúng không có mối liên hệ gì đến bước răng của các ống in. Có thể chỉ có một hay nhiều vùng sọc có khoảng cách bằng nhau hay khác nhau.
Nguyên nhân A:
Các sọc gây ra do bánh răng
Nguyên nhân B:
Một hay nhiều lô chà bị siết quá chặt. Các lô chà đập xuống bản và nảy lên làm gián đoạn lớp mực được chà lên từ đầu đến cuối bản, kết quả là tạo ra các sọc trên lô. Các sọc này sẽ được truyền lên bản sau mỗi vòng tua. Các sọc như thế rất tệ hại nếu tất cả các lô chà đều có cùng kích thước và tất cả đều bị siết quá chặt so với bản in. Các sọc do bánh răng ảnh hưởng chủ yếu trên các vùng in phông nền.
Biện pháp khắc phục: Điều chỉnh lại các lô chà để chúng có áp lực phù hợp trên bề mặt bản và các lô sàng.
Nguyên nhân C:
Có quá nhiều mực tụ trên lô chà làm cho chúng di chuyển theo chiều ngang cùng với các lô sàng. Nếu các lô chà đang chà mực lên bản trong khi các lô sàng đảo chiều sàng ngược lại thì mực dư sẽ trượt theo chiều ngang và tạo ra các sọc.
Biện pháp khắc phục 1: Điều chỉnh các lỗ gắn trục lô chà để loại trừ hiện tượng mực dội ngược từ ngoài biên vào trong.
Biện pháp khắc phục 2: Điều chỉnh thời điểm lô sàng đảo hướng chuyển động sao cho chúng quay lại vào đúng lúc lô chà đối diện với lòng ống. Việc điều chỉnh này có thể được thực hiện trên một vài máy in, nên loại trừ ngay các vết dọc gây ra do mực tụ trên.
Nguyên nhân D:
Các lô chà bị trượt. Các lô chà được canh với áp lực lên bản không đều so với lô sàng và bản sẽ gây nên tình trạng này. Nếu canh áp lực chà không đều, các lô chà sẽ trượt trên bề mặt bản nhưng nếu canh áp lực quá nhẹ thì lại gây ra sọc. Hiện tượng lô chà bị trượt xảy ra nhiều nếu các lô bị rạn.
Biện pháp khắc phục 1: Canh lại các lô chà bằng cách giảm bớt áp lực lên bản so với áp lực lên các lô sàng.
Biện pháp khắc phục 2: Mài lại các lô chà hay lô sàng để loại bỏ các vết rạn. Hiện tượng gây ra do các lớp mực khô bị tích tụ và lớp gôm bản không được chùi rửa kỹ. Hiện nay các hãng hoá chất cho ngành in có bán một dung dịch để rửa lô giúp loại bỏ các vết rạn.
Nguyên nhân E:
Tấm cao su bị chùng do căng không chặt và bị trượt. Vì đôi khi cần phải canh lại độ dài hình ảnh in ra dài hơn hay ngắn đi để chồng màu cho chính xác nên tốc độ bề mặt của bản và cao su không bằng nhau. Nếu tấm cao su bị chùng, chúng có khuynh hướng chạy theo tốc độ bề mặt của bản và bù trừ vào chỗ không đều bằng cách trượt trên ống cao su. Việc trượt không đều này tạo ra các sọc mực trên bản. Sự trượt gia tăng khi áp lực giữa bản và tấm cao su tăng.
Biện pháp khắc phục: Siết chặt tấm cao su. Kiểm tra lại áp lực giữa bản và tấm cao su, nếu áp lực quá cao phải bỏ bớt các lớp giấy bọc ống.
Nguyên nhân F:
Các dây đai truyền động từ môtơ chính bị mòn hay không phù hợp. Nếu một dây đai bị sờn hay bị kéo giãn ra so với các dây còn lại sẽ làm cho các thiết bị cơ khí truyền động không đều và tạo sọc.
MỰC ĐƯỢC CẤP KHÔNG ĐỀU
Mực được cấp bằng việc quay gián đoạn của lô máng mực. Việc cấp mực được kiểm soát bằng cách điều chỉnh dao gạt mực cho phép lượng mực khác nhau theo chiều ngang của tờ in tuỳ theo độ phủ mực theo chiều ngang của bản in. Thời gian quay gián đoạn lô máng mực cũng quyết định lượng mực được cấp xuống các lô mực. Lô chấm mực chuyển động chao qua lại giữa lô máng mực để lấy mực và truyền xuống lô sàng.
Nó sẽ truyền các vệt mực chưa được tán sang lô sàng. Các vệt mực này sẽ được tán nhuyễn và tạo thành một lớp mực mỏng và vào thời điểm nó được truyền tới lô chà. Tuy nhiên việc sàng mực có thể được điều chỉnh để chuyển một lượng mực cần thiết xuống bản in.
Nguyên nhân A:
Mực bị lột ra khỏi các lô mực. Đây là hậu quả do các lô mực bị rạn, có quá nhiều dung dịch làm ẩm hoặc có quá nhiều gôm hay acid phosphoric trong dung dịch làm ẩm (thông thường độ pH từ 4,2 - 4,7). Các lô mực trở nên bị đẫm nước và không thể đóng vai trò truyền mực được gây nên việc không có khả năng duy trì màu sắc ổn định trên tờ in. Thông thường các lô sàng bằng kim loại sẽ không nhận mực tốt nhưng nếu các lô cao su bị rạn nó cũng trở nên như vậy.
Biện pháp khắc phục 1: Rửa máy lại.
Biện pháp khắc phục 2: Nếu chỉ có các lô sàng bằng kim loại không nhận và truyền mực tốt thì rửa sạch mực, gỡ các lô chà bản và lô trung gian ra rồi chùi sạch các lô sàng.
Biện pháp khắc phục 3: Nếu các lô cao su bị lột mực thì dùng một găng tay bằng cao su chà thật sạch các lô đó rồi dùng giấy nhám nước đánh lại cho đến khi sạch mực. Đôi khi người ta phải tiện lại lô cao su để loại bỏ các vết rạn.
Biện pháp khắc phục 4: Vì các lô sàng bằng kim loại là nguyên nhân chủ yếu gây ra hiện tượng lột mực, nên lấy các lô sàng đó ra và mạ phủ một lớp đồng mỏng lên hoặc cũng có thể phủ lên một lớp Ebonit hay Teflon. Những vật liệu này kháng lại việc lột mực rất mạnh.
Biện pháp khắc phục 5: Để tránh khỏi thay thế các lô sàng bằng kim loại ta có thể phủ một lớp đồng mỏng lên hay lau chúng bằng một loại dung dịch được cung cấp bởi các công ty hoá chất cho ngành in. Việc phủ đồng này có thể được thực hiện ngay trên máy in. Vì lớp đồng này rất mỏng nên có thể bị bay đi sau một tuần hoặc một tháng.
Biện pháp khắc phục 6: Đo lại độ pH trong máng nước. Điều chỉnh tốc độ quay của lô máng nước. Nếu in với số lượng lớn, để đảm bảo thời gian in trong lúc máy đang hoạt động, ta nhỏ vài giọt nước châm bình vào nơi lột lô.
Nguyên nhân B:
Mực bị bám trở lại lô máng mực do vậy làm giảm lượng mực được cung cấp. Thông thường mực chỉ được cho vào máng xuống theo lô máng mực. Những loại mực gây nên hiện tượng này thường quá sệt hay bị quá lạnh. (có thể do các lô làm lạnh gây ra).
Biện pháp khắc phục 1: Lắc cho lô máng mực quay thường xuyên để tránh cho mực bị đặc lại.
Biện pháp khắc phục 2: Pha cho mực loãng.
Biện pháp khắc phục 3: Tăng nhiệt độ trong phân xưởng in lên. Hầu hết các loại mực in làm việc tốt ở nhiệt độ từ 21-24oC .
Nguyên nhân C:
Mực bám vào, đóng lại và xếp lớp trên bề mặt của các lô mực và trên các vùng hình ảnh của bản in và tấm cao su. Trong điều kiện như thế, mực sẽ không được truyền đúng, gây ra tình trạng thiếu mực. Việc mực bị đóng lại có thể do các hạt màu (pigment) được phân tán không đồng đều hay mực bị nhiễm nước.
Biện pháp khắc phục 1: Kiểm tra lại mức độ phân tán của pigment trong mực bằng dụng cụ kiểm tra độ mịn khi nghiền mực. Nếu thấy mực không đạt yêu cầu phải thay bằng loại mực khác.
Biện pháp khắc phục 2: Giảm độ ẩm trên bản đến mức tối thiểu, nếu thấy vẫn không được phải thêm một ít vecni kháng nước vào trong mực.
Nguyên nhân D:
Các lô mực hay tấm cao su bị bám các sớ giấy. Các sớ giấy có nguồn gốc từ cellulose sẽ hút nước và đẩy mực, làm giảm khả năng truyền một lớp mực liên tục.
Biện pháp khắc phục 1: Rửa sạch các lô mực và tấm cao su.
Biện pháp khắc phục 2: Làm giảm độ sệt của mực bằng vecni hay các chất làm loãng do các hãng sản xuất mực cung cấp.
Biện pháp khắc phục 3: Dùng loại giấy có ít bụi và có sự liên kết sớ sợi tốt.
Nguyên nhân E:
Các vết móp trên lô làm cho sự tiếp xúc giữa các lô mực với nhau không đều hay các lô chà bị móp cũng làm cho tiếp xúc không đều với bản in.
Biện pháp khắc phục 1: Thay các lô bị móp.
Biện pháp khắc phục 2: Nếu các vết móp nhỏ đem lô đi mài lại.
Nguyên nhân F:
Các lõi sắt của lô bị cong hay xoắn lại.
Biện pháp khắc phục: Thay lô mực mới. Nếu lô bị cong ít có thể gỡ bỏ lớp cao su nắn lõi sắt và đắp cao su lại.
Nguyên nhân G:
Dao gạt mực bị cong hoặc mòn không đều.
Biện pháp khắc phục: Thay dao mực mới. Khi gắn dao mực mới vào phải đảm bảo rằng các khoá mực được xoay trả hết lại. Khi dao mực đã song song với lô máng mực thì mới tiến hành các bước điều chỉnh tiếp theo. Khi siết chặt dao mực, bắt đầu bằng cách xiết các ốc ở giữa rồi mới siết dần sang hai bên. Khi điều chỉnh khoá mực thì điều chỉnh ở hai bên trước rồi mới tiến dần vào trong.
Nguyên nhân H:
Bụi và mực khô tích tụ dần giữa dao máng mực và lô cản trở việc truyền mực.
Biện pháp khắc phục: Giữ cho dao và lô máng mực luôn sạch.
Nguyên nhân I:
Mực khô và các dung môi rơi vào phần cuối của các lô làm cho hai đầu của các lô mực không bám đủ lượng mực cần thiết và truyền thiếu mực lên hai đầu bản in.
Biện pháp khắc phục: Rửa kỹ lại hai đầu của các lô mực. Khi máy in được rửa xong và đã đứng yên, phải lau khô hai bên hông của các lô mực.
Vietnamprint (Theo HĐAK )