Thông thường để in gia công tại Việt Nam, ta chia làm 3 công đoạn chính:
1. Công đoạn chế bản:
Là công đoạn dùng một chương trình soạn thảo nội dung cần in lưới. Thông thường là dùng chương trình Correl để soạn vì Correl có chức năng co giãn được đối tượng vẽ theo các kích thước đặt trước. Người ta vẽ một khung hình chữ nhật có kích thước thực bằng chính kích thước sẽ in ra, đánh nội dung và đưa các đối tượng vẽ vào dàn trải sao cho cân đối với nó sau khi soạn xong thực hiện in ra một loại giấy trong suốt như giấy pơ luya hoặc giấy bóng kính bằng màu đen. Việc in này sử dụng cách in tách màu. Ví dụ là bản in của bạn có nhiều màu thì in mỗi màu một bản in. Bản in này gọi là phim chụp.
Để in tách màu bạn chọn nút in, chọn chế độ in rời từng màu, sau đó chỉ đánh dấu vào màu cần in để phim của bạn chỉ có tác dụng màu đó. Phải đánh dấu các điểm chốt để khi chồng phim lên nhau ta sẽ được bản in hoàn chỉnh.
2. Công đoạn chụp lưới
Ta dùng một loại thuốc đặc biệt, thông thường là loại keo sơ dừa được chưng cho chín ở nhiệt độ cao và không có ánh sáng. Loại keo này là một loại thuốc đặc biệt, nếu để ra ánh sáng sẽ hỏng ngay, nên người ta phải dùng đèn màu đỏ có độ sáng thấp để thực hiện. Sau đó ta bôi một lượt mỏng lên lưới. Lưới là một khung được căng một loại vải đặc biệt có khả năng chống lại hoá chất tốt.
Sau khi dàn xong lên lưới, ta phải làm cho keo này khô đi. Thường sử dụng những công cụ gia đình để sấy cho khô, ví dụ như máy sấy tóc chẳng hạn. Ta phải chuẩn bị một thùng gồm có nguồn ánh sáng mạnh, có một tấm kính ở phía trên. Thông thường ở Việt Nam, ta dùng thùng gỗ, trong đó đặt số bóng đèn tuýp hoặc đèn gì đó sao cho cường độ ánh sáng càng mạnh càng tốt. Sau khi lưới đã khô, ta đặt phim in (Tức là bản in ở công đoạn một) cùng với lưới lên trên một tấm kính của thùng ánh sáng đó. Bật điện cho ánh sáng hoạt động trong một vài phút.
Thời gian này tuỳ thuộc vào loại thuốc sử dụng, độ sáng của đèn và nhiệt độ môi trường. Bạn phải thử nghiệm để đạt được kết quả tốt nhất. Sau đó ta dùng thuốc để tráng phim, tuy nhiên tuỳ loại keo mà thuốc nhiều khi chỉ là nước sôi, dội vào lưới, và nước lã để cố định kết quả. Sau khi dội xong soi lên ánh sáng thấy các lỗ thủng đúng với hình vẽ in ở phim ra coi như là phim đã chụp tốt.
3. Công đoạn in
Công đoạn này là công đoạn dễ nhất nhưng vất vả nhất. Ta rải mực lên bề mặt lưới. Đặt lưới lên vật cần in và dùng một công cụ tạm gọi là lưỡi để gạt mực sao cho nó qua lỗ thủng in xuống vật cần in. Nếu bản in có nhiều màu, bạn phải lặp lại công đoạn này đối với tất cả các màu thành viên để được bản vẽ hoàn chỉnh.
Ta dùng in lưới để in sách vở, tài liệu, card vi dít, đồ kỷ niệm hoặc lịch năm mới vân vân, với mọi thứ trên đời. Tuy nhiên bạn hãy coi chừng vì in ấn phải có giấy phép đó.
st