KIẾN THỨC NGÀNH IN

Vai trò của baobì trong kinh doanh

Ngôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lực
 

Theo quan niệm truyền thống, bao bì được xem là “vật bảo vệ sản phẩm”. Đứng ở góc độ thị trường, bao bì có ba chức năng cơ bản: Chức năng chứa đựng, bảo quản, bảo vệ hàng hoá trong quá trình lưu thông; Chức năng nhận biết (thông tin) và Chức năng thương mại.

1. CHỨC NĂNG CHỨA ĐỰNG, BẢO QUẢN, BẢO VỆ HÀNG HOÁ TRONG QUÁ TRÌNH LƯU THÔNG

 

Bao bì là một trong những phương tiện quan trọng để giữ gìn nguyên vẹn số lượng và chất lượng sản phẩm hàng hoá, giảm mất mát, hao hụt và được coi là một yếu tố trực tiếp thực hiện tiết kiệm lao động xã hội.

 

Sản phẩm hàng hoá sau khi rời khỏi quá trình sản xuất trực tiếp để đi vào tiêu dùng phải trải qua các khâu: lưu kho, phân phối, vận chuyển, xếp dỡ. Ở mỗi khâu, hàng hoá đều chịu những tác động khác nhau từ phía môi trường, cơ học, lý học, hoá học. Sản phẩm được bao gói chứa đựng bằng các loại bao bì thích hợp sẽ hỗ trợ cho việc giảm thấp nhất các mất mát, biến chất, hao hụt.

 

Bao bì sẽ tránh cho hàng hoá không bị rơi vãi, tránh được va đập, sức nén, những ảnh hưởng có hại của môi trường bên ngoài như mưa, nắng, nhiệt độ, độ ẩm, bụi bẩn, khí độc, các vật gặm nhấm, côn trùng, xâm hại đến số lượng và chất lượng hàng hoá. Ví dụ; xăng dầu dễ bị bay hơi, sản phẩm rời bị rơi vãi, sản phẩm rau quả, đồ hộp, lương thực sẽ bị côn trùng phá hoại. Mặc dù bao bì chỉ là phương tiện chứa đựng, bảo quản hàng hoá, không được sử dụng cùng hàng hoá, khi đưa sản phẩm vào tiêu dùng các loại bao bì bị thải loại ra nhưng từ lâu, bao bì đã được coi là một bộ phận cấu thành của sản phẩm, hơn thế bao bì là bộ phận không tách rời của hệ thống bảo đảm vững chắc chất lượng sản phẩm.

 

bao-bi-san-pham-02

 

Bao bì đảm bảo cho hàng hoá được an toàn trong các khâu lưu chuyển của nó. Trong lĩnh vực xếp dỡ, vận chuyển, bao bì như một “lớp bảo vệ” vững chắc ngăn cản sự tác động cơ học giữa các bao bì khác nhau (sự chèn, nén, va đập do chất xếp và sự di chuyển của các phương tiện vận tải). Điều đó cũng có nghĩa bao bì góp phần tích cực vào việc ngăn chặn ảnh hưởng có hại đến chất lượng hàng hoá, tránh được đổ vỡ, dập nát, cong vênh các hàng hoá chứa đựng bên trong bao bì. Bao bì hàng hoá bảo vệ và duy trì “sự sống” của sản phẩm.

 

Từ lâu các nhà kinh tế bao bì đã đánh giá: vai trò của bao bì là để bảo quản, bảo vệ hàng hoá, là yếu tố để tiết kiệm của cải xã hội. Hiện nay, ở các nước đang phát triển tỷ lệ hư hại sản phẩm chế biển sẵn và các mặt hàng lương thực, thực phẩm khác trong toàn bộ khâu phân phối được đánh giá vào khoảng 20 – 25%. Đây là một con số rất lớn và đáng báo động. Nguyên nhân quan trọng nhất gây hư hỏng, thối rữa lương thực, thực phẩm là do sự tấn công của côn trùng, vật gặm nhấm, chim chóc. Khâu mất mát nhiều nhất là khâu lưu kho hay trước khi hàng hoá được vận chuyển từ nhà sản xuất đến nơi tiêu thụ, cảng xuất khẩu.

 

Một nguyên nhân khác gây ra hư hại hàng hoá là do chất lượng bao bì kém, không đảm bảo các yêu cầu của quy phạm chất xếp, độ bền vững thấp. Việc tổ chức đóng gói, tổ chức bốc xếp không hợp lý cũng gây ra những tác động xấu đến công tác bảo quản hàng hoá, phương thức vận chuyển hàng hoá và bao bì không hợp lý đã gây ra hiện tượng sản phẩm bị hư nát là phổ biến.

Như vậy, bao bì được xem là một phương tiện quan trọng để thực hiện tiết kiệm của cải xã hội. Tuy nhiên để phát huy vai trò này cần quan tâm đến các khía cạnh kỹ thuật sản xuất (công nghệ, thiết kế, vật liệu), kỹ thuật bao gói (hình thành các đơn vị hàng hoá), kỹ thuật xếp dỡ, vận chuyển để có những bao bì hoàn chỉnh, đáp ứng tốt nhất việc bảo quản, bảo vệ hàng hoá trong suốt quá trình lưu kho và lưu thông sản phẩm.

 

Bao bì tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xếp dỡ, vận chuyển, nâng cao hiệu quả sử dụng của thiết bị xếp dỡ, vận chuyển, công suất chứa đựng của các nhà kho, bến bãi…

Một trong những nhân tố quyết định đến việc tăng năng suất lao động trong xếp dỡ, vận chuyển là thực hiện cơ giới hoá các khâu này. Vấn đề bao gói hàng hoá bằng các loại bao bì thích hợp, đặc biệt là bao bì vận chuyển cho phép hình thành các đơn vị hàng hoá phù hợp với các phương tiện xếp dỡ, vận chuyển, kể cả trong trường hợp xếp dỡ vận chuyển thủ công. Sản phẩm có bao gói khi vận chuyển xếp dỡ sẽ thuận tiện hơn nhiều lần so với các sản phẩm chi tiết riêng biệt.

Bao bì cho phép tập trung hàng hoá thành các đơn vị sử dụng, đơn vị buôn bán, đơn vị vận chuyển, tạo điều kiện áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong khâu vận chuyển, xếp dỡ và giao nhận.

 

Bao bì hàng hoá được tiêu chuẩn hoá theo đúng quy định cho phép giao nhận, đầy đủ khi kiểm nhận, thuận tiện chính xác trong xác định chất lượng, đặc biệt đối với các sản phẩm xuất khẩu.

 

Kích cỡ bao bì vận chuyển hợp lý tạo cơ hội sử dụng hết công suất của các loại phương tiện chất xếp. Trong lĩnh vực này người ta thường tập trung hàng hoá thành các “đơn vị bốc xếp” để “tiết kiệm” phương tiện vận chuyển. Từ năm 1961 ở các nước đã có khoảng 20 – 30% hàng hoá được tập trung thành đơn vị bốc xếp. Ngày nay con số này đã tăng lên đến 70 – 80% và do đó đã tiết kiệm được khoảng 50% phương tiện vận chuyển.

 

Việc chất xếp hàng hoá trong các nhà kho, sân bãi sẽ thuận tiện và có hiệu quả cao khi các loại hàng hoá được bao gói thích hợp với việc ứng dụng cơ giới hoá trong bốc xếp, với các hình dáng, độ bền vững thích hợp và kỹ thuật chất xếp hợp lý, có thể xếp được chồng hàng cao hơn, dung lượng chứa đựng nhiều hơn. Điều đó cũng có nghĩa diện tích, chiều cao nhà kho và các thiết bị chứa đựng (giá, bục để hàng) được tận dụng triệt để hơn.

 

Để cho quá trình bốc dỡ, vận chuyển, giao nhận được thuận tiện, an toàn, chính xác và hiệu quả; sử dụng tối đa công suất nhà kho và thiết bị chứa đựng, cần quan tâm đến yếu tố chất lượng bao bì. Kích thước bao bì cần được tiêu chuẩn hoá, kết cấu bao bì phải bền chắc, phải “khoẻ’ để chịu đựng được các lực bốc xếp; có ký mã hiệu hướng dẫn vận chuyển, bốc xếp (mã số bao bì, phiếu bao gói nơi đến, nơi xuất phát, sức chứa, các ký hiệu an toàn, tránh lăn đẩy, tránh mưa, tránh nắng, quy định xếp hàng… đặc biệt với các hàng độc hại, nguy hiểm, dễ vỡ…). Bao gói hàng hoá phải theo đúng quy phạm để hạn chế tối đa hư hỏng sản phẩm do va chạm, rung sóc, sức nén khi thực hiện các nghiệp vụ trên.

 

Bao bì là một trong những điều kiện quan trọng để đảm bảo vệ sinh an toàn lao động, bảo vệ sức khoẻ cho những nhân viên giao nhận, xếp dỡ, vận chuyển, bảo quản hàng hoá, bảo vệ sự trong lành của môi trường xung quanh.

 

Sản phẩm hàng hoá (đặc biệt là các sản phẩm độc hại, gây bụi bẩn, ô nhiễm môi trường) được bao gói bằng những bao bì thích hợp sẽ cách ly được các ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của người lao động, đảm bảo môi trường lao động trong lành và bảo vệ môi trường xung quanh. Các sản phẩm dễ cháy, nổ nếu được bao gói đúng quy chuẩn và bảo quản trong điều kiện thích hợp sẽ đảm bảo được độ an toàn cao cho người lao động, cho các loại phương tiện khi tiến hành giao nhận, xếp dỡ, vận chuyển. Vì vậy, trong kinh doanh thương mại, ngoài việc sử dụng các vật liệu bao bì phù hợp với đặc điểm kỹ thuật, tính chất cơ, lý, hoá học của sản phẩm để chứa đựng, bao gói, còn cần phải thực hiện các tiêu chuẩn hoá về ghi ký mã, nhãn hiệu hàng hoá, các ký hiệu chỉ dẫn các nghiệp vụ xếp dỡ, vận chuyển, điều kiện bảo quản các loại hàng hoá nhất là với các loại hàng thuộc nhóm độc hại nguy hiểm.

2. CHỨC NĂNG NHẬN BIẾT (THÔNG TIN)

 

Bao bì là một trong những phương tiện quan trọng thực hiện thông tin quảng cáo sản phẩm, hướng dẫn sử dụng, là hình thức phục vụ khách hàng văn minh.

Người tiêu dùng thông qua sự thể hiện bên ngoài của bao bì như hình dáng bao gói, các phương pháp in ấn, trang trí nhãn hiệu để nhận biết, phân biệt sản phẩm này với sản phẩm khác; sản phẩm của doanh nghiệp này với sản phẩm của doanh nghiệp khác giúp cho khách hàng dễ dàng lựa chọn đúng sản phẩm mà họ yêu cầu. Bao bì tạo ra sự khác biệt giữa các sản phẩm là yếu tố cơ bản để “cá biệt hoá” sản phẩm.

 

Những thông tin trên bao bì ngoài các thông tin cần thiết để nhận biết sản phẩm còn có các thông tin thể hiện về mặt luật lệ, các thông tin cho người sử dụng sản phẩm. Chẳng hạn các thông tin hướng dẫn về điều kiện lưu kho, hướng dẫn lắp đặt, vận chuyển, sử dụng, thời hạn sử dụng tốt nhất của sản phẩm; số, mã hiệu của kiện hàng, các điều kiện phòng ngừa (tránh nắng, mưa, dễ vỡ…); các thông tin về thành phần, thông tin dinh dưỡng, số lượng, chất lượng giúp cho khách hàng lượng hoá được lợi ích của mình khi quyết định mua hàng.

3. CHỨC NĂNG THƯƠNG MẠI: 

 

Bao bì một loại sản phẩm nhất định trở thành ấn tượng quen thuộc của những người mua sắm thường xuyên, trở thành tiềm thức của mỗi khách hàng khi lựa chọn hàng hoá, để phân biệt sản phẩm này với sản phẩm khác, sản phẩm của doanh nghiệp này với sản phẩm của doanh nghiệp khác

Trong nền kinh tế hàng hoá, sản phẩm được sản xuất ra với số lượng vô cùng lớn với vô vàn quy cách chủng loại. Trong đống khổng lồ hàng hoá như vậy, người tiêu dùng sẽ lựa chọn như thế nào? Cái gì là tín hiệu đầu tiên để khách hàng tìm kiếm sản phẩm theo yêu cầu của họ? Đó chính là bao bì hàng hoá. Khách hàng dựa vào bao bì để tìm ra những sản phẩm mà họ cần.

 

Bao bì giúp cho người mua có cảm giác ban đầu đúng về sản phẩm bên trong. Thông qua các thông tin ghi trên bao bì, bao bì có khả năng giúp cho người mua nhận biết đầu tiên. Nó thu hút sự chú ý của người mua khi đi vào các gian hàng siêu thị. Bao bì mang đến cho họ sự kích thích về hàng hoá, làm tăng khả năng bán hàng của doanh nghiệp. Thông qua màu sắc, kiểu dáng và cách trình bày hàng hoá trong các gian hàng, qua các thông tin, ký mã nhãn hiệu ghi trên bao bì, bao bì đã tự nó giới thiệu hàng hoá. Tại các gian hàng không có cách nào khác đối với người mua lần đầu để tìm được hàng ngoại trừ bao bì hàng hoá hoặc đã có sự giới thiệu trực tiếp của nhân viên kinh doanh, nhân viên bán hàng hay của những người đã mua trước.

 

Một mặt bao bì thể hiện trình độ phát triển của sản xuất và lưu thông hàng hoá và mặt khác bao bì cũng thể hiện được mối quan hệ khăng khít, mối quan tâm thiết thực, cụ thể của các nhà sản xuất kinh doanh đối với người tiêu dùng. Bao bì vừa thể hiện tính kỹ thuật, mỹ thuật vừa thể hiện tính văn hoá, xã hội, vừa vật chất, vừa tình cảm, vừa thương mại, vừa nghệ thuật. Điều đó thúc đẩy hành vi mua hàng của khách hàng.

 

Giải quyết hiệu quả các băn khoăn do dự, các “bẫy” đối với khách hàng khi họ mua sắm hàng hoá. Người ta đã ví bao bì như “người bán hàng thầm lặng” đặc biệt trong các hình thức kinh doanh “tự phục vụ”, bán hàng tự chọn. Vai trò của người bán hàng ngày nay đã được thay thế bằng bao bì trong các siêu thị và các cửa hàng tự động. Chính những thông tin, các kiểu dáng với các hình thức màu sắc trang trí của bao bì đã làm cho bao bì có vai trò như một công cụ tạo ra sự hấp dẫn, tính tò mò, nảy sinh cảm xúc và từ đó tạo ra sự quảng bá sản phẩm rộng lớn. Điều đó sẽ đưa đến những sự thoả mãn cho khách hàng, gây ra những quyết định “bất chợt” nhanh chóng trong hành vi mua hàng của khách hàng.

 

Trong thương mại quốc tế, bao bì hàng hoá được xem là một tiêu chuẩn chất lượng quan trọng. Ở các nước phát triển, khi hình thức bán hàng đã đạt tới trình độ cao thì chức năng bán hàng của bao bì rất được chú ý. Kéo theo đó những yêu cầu quảng cáo, thông tin của bao bì, cách bao gói, các ký mã hiệu, nhãn hiệu… cần phải tuân thủ các thông lệ quốc tế và luật pháp của các nước nhập khẩu. Bao bì được tiêu chuẩn hoá là tiếng nói chung của các quốc gia trong lĩnh vực lưu thông, buôn bán quốc tế. Nhờ đó thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu giữa các nước.

suutam

Tin Tức Liên Quan

 

0
Shares
0
Shares